trang chủ tin tức xe Thị trường ô tô Các ông lớn sản xuất ô tô Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng tại Việt Nam

Các ông lớn sản xuất ô tô Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng tại Việt Nam

Từ mẫu xe điện mini chỉ khoảng 200 triệu đồng cho đến những chiếc SUV hạng sang cả tỷ đồng, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng giành thị phần tại thị trường xe hơi Việt Nam.

Các mẫu xe Trung Quốc sẽ trình làng cuối năm

Trong 2 tháng cuối năm, thị trường ô tô Việt Nam sẽ chào đón thêm ít nhất 4 hãng xe đến từ Trung Quốc. Đa phần các mẫu xe về đợt này đều dao động trong khoảng giá 700 triệu đồng.

Mẫu MG HS tại Việt Nam sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan. Ảnh: MG

Mẫu MG HS tại Việt Nam sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan. Ảnh: MG

Đầu tiên là với MG, thương hiệu này có khả năng sẽ tung ra hai “quân bài” là MG HS và MG 7. Trong đó, MG HS có giá bán dự kiến khởi điểm từ 750 triệu đồng. Đây sẽ là đối trọng trực tiếp với các mẫu xe như Mazda CX-5 hay Honda CR-V.

Do chỉ là bản facelift nên MG HS sẽ không phải là một sự “lột xác” so với thế hệ tiền nhiệm. Tuy nhiên, phần đầu xe và đuôi xe đã được thay đổi với hệ thống đèn chiếu sáng mới.

Ngược lại, MG 7 là dòng xe hoàn toàn mới và có giá bán dự kiến khoảng 750 triệu đồng. Mặc dù có giá chỉ ngang xe hạng C nhưng thông số kỹ thuật của MG 7 lại không hề thua kém các xe hạng D như Toyota Camry và Mazda 6.

Bên cạnh MG, một thương hiệu khác cũng đổ bộ thị trường Việt Nam dịp cuối năm là Lynk & Co. Hãng xe này đang lên kế hoạch trình làng 3 mẫu SUV và một mẫu sedan.

Trong đó, Lynk & Co 01 sẽ nằm trong phân khúc SUV hạng C. Đáng chú ý, dù mang thương hiệu Trung Quốc nhưng mẫu xe này được đồn đoán sẽ có giá cao hơn các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mẫu Lynk & Co 01 sử dụng chung cơ sở gầm bệ Compact Modular Architecture (CMA) với Volvo XC40. Ảnh: Lynk & Co 01

Tại thị trường nội địa, Lynk & Co 01 đã có giá lên tới 20.960 - 24.990 USD (khoảng 501 - 598 triệu đồng). Do đó, khi về Việt Nam, khả năng cao mẫu xe này sẽ cán mốc “tiền tỷ”.

Ngoài ra, hãng còn ra mắt thêm ba sản phẩm khác, bao gồm Lynk & Co 03, một chiếc sedan hạng C; Lynk & Co 05, một SUV cỡ D. Đặc biệt nhất là Lynk & Co 09, đây là dòng SUV lớn nhất của hãng với hệ thống khung gầm tương tự Volvo XC90. Hiện mẫu xe này đang được bán tại Trung Quốc với giá khoảng 46.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng).

Không dừng lại ở đó, vào cuối tháng 10, ba mẫu xe của hãng Chery, thuộc hai thương hiệu Omoda và Jaecoo, đã xuất hiện tại Hà Nội. Trong đó bao gồm chiếc sedan cỡ C Omoda S5, crossover cỡ C Omoda C5 và mẫu crossover cỡ B+ Jaecoo 7.

Jaeecoo 7 sẽ được phân phối ban đầu tại Việt Nam bằng hình thức nhập từ Indonesia nhằm hưởng thuế nhập khẩu 0%. Ảnh: Chery

Chery là thương hiệu xuất khẩu ô tô lớn nhất xứ tỷ dân trong suốt 20 năm liên tiếp, kể từ năm 2003. Đây cũng là hãng xe Trung Quốc đầu tiên đặt nhà máy tại Việt Nam.

Hãng xe cuối sẽ gia nhập thị trường là Haima. Trước đó, thương hiệu này đã tới Việt Nam vào năm 2011 nhưng đã lặng lẽ rời đi. Với sự trở lại lần này, Haima sẽ mang tới ba mẫu xe là 8S, 7X và 7X-E.

Mẫu xe Haima 7X chiếm một nửa doanh số bán hàng của hãng trong năm 2022. Ảnh: Haima

Trong đó, 7X sẽ đánh thẳng vào phân khúc MPV, vốn đang tương đối sôi động và có nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo dự kiến, giá xe Haima 7X sẽ ở trong khoảng 700 - 800 triệu đồng. Riêng biến thể thuần điện 7X-E sẽ có giá dự kiến từ 1 tỷ đồng.

Sản phẩm còn lại là Haima 8S sẽ “tham chiến” trong phân khúc CUV hạng C. Giá xe Haima 8S được đồn đoán dao động khoảng 600 - 700 triệu đồng.

Những thương vụ “tiền tỷ” giữa doanh nghiệp hai nước

Không chỉ dừng lại trong việc phân phối, bán hàng, các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Trung Quốc cũng đang ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.

Gần đây nhất, Thaco Group đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghiệp nặng Sơn Đông (SHIG). Theo đó, SHIG sẽ chia sẻ thế mạnh về hệ truyền động, tham gia sâu hơn vào lĩnh vực xe thương mại cùng với Tập đoàn Thaco, mở rộng nhiều dòng xe buýt, xe tải và tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, đây không phải là cái bắt tay đầu tiên giữa doanh nghiệp ô tô hai nước. Đầu năm nay, TMT Motors đã hợp tác với liên doanh Trung Quốc GM và SAIC - Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền thương hiệu ô tô điện Wuling tại Việt Nam.

Thành quả của thương vụ này là sự ra mắt của mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV. Sản phẩm này được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vào tháng 6/2023, mẫu xe này từng khuynh đảo giới truyền thông khi có giá khởi điểm chỉ từ 239 triệu đồng.

Bên cạnh khâu sản xuất, các doanh nghiệp Trung Quốc còn ra sức củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng.

Vào cuối năm ngoái, VinES đã cùng đối tác Gotion xây dựng nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại khu kinh tế Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm.

Bên cạnh đó, VinFast còn ký tiếp ghi nhớ hợp tác chiến lược với CATL để hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis).

(Nguồn: https://baodautu.vn/cac-ong-lon-xe-hoi-trung-quoc-dua-nhau-tim-den-viet-nam-d202587.html)